Xét nghiệm nước bọt giúp chẩn đoán bệnh gan dễ dàng và ít tốn kém hơn

Các nhà nghiên cứu Y tế công cộng Bloomberg ở Johns Hopkins, Mỹ cho biết một xét nghiệm nước bọt mới được phát triển có thể đưa ra một sự thay thế ít tốn kém và dễ dàng hơn trong chẩn đoán bệnh gan và cuối cùng có thể giúp điều trị bệnh. Vi-rút viêm gan E (HEV) gây bệnh gan cho khoảng 20 triệu người trên thế giới mỗi năm và giết chết hơn 56.000 người.

Hiện tại, cách duy nhất để xét nghiệm bệnh viêm gan E trước đây và bây giờ là qua xét nghiệm máu hoặc phân.

Xét nghiệm nước bọt mới này rất đơn giản và chính xác và không đòi hỏi phải có nhân viên được đào tạo chuyên sâu để thu thập mẫu cũng như không cần bảo vệ mẫu khỏi nhiệt độ, và xử lý các kim tiêm vệ sinh, những yếu tố cần thiết trong xét nghiệm máu và ảnh hưởng đến chẩn đoán một cách kịp thời. Xét nghiệm nước bọt mới sử dụng một nền tảng khác trong đó các kháng nguyên được gắn liền với các hạt huỳnh quang giúp lưu thông dễ dàng hơn thông qua chất lỏng, có khả năng tăng cường kháng thể với bệnh nếu chúng xuất hiện trong nước bọt.

Nó cũng cho phép xét nghiệm một số mục tiêu kháng nguyên khác nhau trong cùng một mẫu nước bọt, do đó người dùng có thể kiểm tra nhiều lần các nhiễm trùng chỉ trong một mẫu.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng xét nghiệm nước bọt cũng có độ nhạy và độ đặc hiệu cao gần tương đương với thực hiện xét nghiệm máu rộng rãi từ trước tới giờ để đánh giá nhiễm HEV

Với các nhiễm trùng trong quá khứ, độ nhạy và độ đặc hiệu trong xét nghiệm nước bọt lần lượt là 98,7% và 98,4% trong khi đối với nhiễm trùng gần đây, độ nhạy và độ đặc hiệu là 89,5% và 98,3%.

BS Thu Vân

(Theo Indianexpress)

Cắt bao quy đầu, không phải chuyện đơn giản

Câu chuyện về hàng chục trẻ mắc bệnh sau nong, cắt bao quy đầu tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng lại xới lên nỗi băn khoăn ở nhiều bậc phụ huynh về dị tật sinh dục bẩm sinh này. BS. Lê Sĩ Trung, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình các dị dạng sinh dục tiết niệu trẻ em đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề này.BS. Lê Sĩ Trung.

BS. Lê Sĩ Trung.

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, trong trường hợp nào cần nong, cắt bao quy đầu? Điều này có ảnh hưởng như thế nào tới bệnh nhân?

BS. Lê Sĩ Trung: Trước hết phải nói ngay rằng, tạo hóa sinh ra cái gì hẳn đều có lý do. Bao quy đầu bình thường là một bao da mỏng bọc trùm lên phía ngoài của quy đầu dương vật và có thể dễ dàng lộn ra để lộ toàn bộ quy đầu. Bao da này gồm có hai lớp: lớp ngoài liền với da của thân dương vật, lớp trong là niêm mạc có nhiều dây thần kinh cảm giác rất nhạy cảm với kích thích tình dục. Bao quy đầu có tác dụng bảo vệ, tránh các thương tổn cho quy đầu và giữ khả năng nhạy cảm của quy đầu dương vật. Do đó, nếu bình thường không ai cắt bao quy đầu, trừ khi vì những lý do tập tục hay tôn giáo, và đây lại là một câu chuyện khác. Như vậy, người ta chỉ nong, cắt bao quy đầu khi bị hẹp bao quy đầu. Khi bị hẹp bao quy đầu, da bao quy đầu không thể lộn ra được (hẹp hoàn toàn), hoặc lộn ra được một phần quy đầu dương vật (hẹp bán phần). Cha mẹ, người chăm sóc có thể thấy trẻ khi tiểu tiện, bao quy đầu bị phồng lên.

Nhưng cần lưu ý rằng, ở trẻ sơ sinh, bao quy đầu còn chưa lộn hết, khi lớn lên (từ 1-2 tuổi) bao quy đầu mới dần dần lộn ra hết. Đây là hiện tượng bình thường, không cần điều trị. Nếu không nắm rõ điều này, rất dễ gây tâm lý lo lắng hoặc chỉ định nhầm, lạm dụng cắt bao quy đầu.

Khi bao quy đầu bị hẹp, gây ứ đọng chất tiết của các tuyến ở quy đầu tạo nên bựa sinh dục tích tụ và ứ đọng nước tiểu, là điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ gây viêm quy đầu. Về lâu dài, việc cắt bao quy đầu có tác dụng dự phòng ung thư dương vật. Cắt bao quy đầu còn tạo thuận lợi cho sự phát triển bình thường của dương vật: hẹp bao quy đầu gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển để đạt được kích thước bình thường của dương vật. Hẹp bao quy đầu cản trở toàn bộ khả năng nhạy cảm tạo nên khoái cảm tình dục của quy đầu và niêm mạc bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu gây đau khi dương vật cương làm giảm chất lượng tình dục và có thể gây những biến chứng nặng nề khi hoạt động tình dục, nhất là trong trường hợp hẹp bao quy đầu bán phần như thắt nghẹt bao quy đầu, chảy máu do rách quy đầu... Vì vậy, cách giải quyết là phẫu thuật cắt bao quy đầu. Ngoài ra, điều này đương nhiên còn giúp cho tiểu tiện dễ dàng hơn.Cần đưa trẻ đi khám phát hiện sớm hẹp bao quy đầu.

Cần đưa trẻ đi khám phát hiện sớm hẹp bao quy đầu.

PV: Bác sĩ có nói về việc lạm dụng cắt bao quy đầu, ông có thể nói rõ nguyên nhân và hậu quả của sai lầm này không? Sự việc đang nóng gần đây, cùng thời điểm, cùng địa phương có vài chục trẻ nong, cắt bao quy đầu bị lây nhiễm bệnh da liễu có phải phản ánh khía cạnh này?

BS. Lê Sĩ Trung: Vụ việc đang được cơ quan chức năng xem xét. Do người thực hiện không ghi hồ sơ bệnh án nên không thể rõ có việc lạm dụng cắt bao quy đầu hay không. Nhưng trên thực tế, hẹp bao quy đầu rất dễ nhầm với dính bao quy đầu ở trẻ em. Dính bao quy đầu là thể bệnh rất hay gặp ở trẻ em. Thể này có chỉ định điều trị là bảo tồn không mổ. Trên thực tế, không ít trẻ bị cắt bao quy đầu một cách không cần thiết do nhầm lẫn giữa 2 thể bệnh này.

Trong dính bao quy đầu, bao quy đầu không hẹp nhưng bị dính chặt với quy đầu nên rất khó lộn ra được, thường vẫn thấy một phần quy đầu lộ ra tuy hơi nhỏ. Rất hay kèm theo 1 cục nhỏ bằng hạt lạc, màu trắng, nổi phồng lên dưới da quy đầu. Đây là bựa sinh dục ứ đọng sẽ được lấy đi dễ dàng khi nong bao quy đầu. Điều trị dính bao quy đầu luôn là bảo tồn không mổ. Nhưng ngược lại, nếu trong trường hợp hẹp bao quy đầu (phải cắt) mà lạm dụng thủ thuật nong, không những gây đau cho trẻ mà còn gây sẹo xơ cứng tại vòng quy đầu làm hẹp quy đầu nặng nề hơn.

Một trường hợp khác dễ có chỉ định sai khi cắt bao quy đầu là hẹp bao quy đầu kết hợp với lún dương vật. Lún dương vật là một dị tật bẩm sinh với biểu hiện dương vật nhỏ, ngắn do bị lún sâu vào vùng mu, thân dương vật bị tụt ra phía sau chỉ còn ống da bọc dương vật. Dị tật này luôn phối hợp với hẹp bao quy đầu. Nếu việc chẩn đoán phiến diện, chỉ nhận thấy biểu hiện hẹp bao quy đầu mà không hiểu biết về bệnh lún dương vật sẽ đưa đến quyết định sai lầm không thể sửa chữa được là đã lỡ cắt bỏ bao quy đầu. Bởi vì, để điều trị dị tật lún dương vật, bao quy đầu (ngay cả khi hẹp) là vật liệu vô giá để che phủ thân dương vật khi tiến hành phẫu thuật tạo hình dựng lại và kéo dài dương vật.

Điều trị hẹp bao quy đầu nên đến cơ sở y tế chuyên khoa.

Điều trị hẹp bao quy đầu nên đến cơ sở y tế chuyên khoa.

PV:Vậy BS có lời khuyên nào đối với các bậc phụ huynh khi nghi ngờ con trai mình bị hẹp bao quy đầu?

BS. Lê Sĩ Trung: Những dị tật sinh dục bẩm sinh nên được lưu tâm phát hiện sớm. Nhưng vì những lý do tôi đã nói ở trên, hẹp bao quy đầu không đơn giản là “cắt”. Và khi quyết định “cắt” cũng cần chọn cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để thực hiện. Điều quan trọng trong phẫu thuật điều trị hẹp bao quy đầu là bảo tồn tối đa khả năng cảm nhận khoái cảm tình dục và thẩm mỹ. Điều này phụ thuộc nhiều vào phẫu thuật viên.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Lê Minh Thúy (thực hiện)

Có nên cắt bao quy đầu cho bé trai?

Trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều bé trai vẫn phải cắt bao quy đầu như vậy. Nhưng theo ý kiến của BS. Giffford Jones ở Toronto, Canada, thì đã đến lúc phải chấm dứt ngay dạng phẫu thuật gây đau đớn này vì nó không mang lại lợi ích gì mà còn gây ra những rắc rối trong cuộc sống sau này.

Có một vấn đề chẳng bao giờ được cả những người chống đối hay bênh vực cho việc cắt bao quy đầu nói đến, đó là hiện nay, việc dùng thuốc chống lại chứng mất chức năng cương cứng đang gia tăng, ngay cả thanh niên cũng phải dùng các loại thuốc này.

Chính vì vậy, thật đáng tiếc nếu như các thanh niên này bị cha mẹ cho thực hiện cắt bao quy đầu khi còn bé, vì khi lớp da nhạy cảm đó bị cắt bỏ, việc sinh hoạt tình dục chắc chắn bị giảm chất lượng, đó là chưa tính đến việc không phải trường hợp nào phẫu thuật cắt bao quy đầu cũng đều diễn ra êm đẹp.

Nhiều tờ báo y học trên thế giới cũng đã đề cập đến các biến chứng do việc cắt bỏ bao quy đầu gây ra. Sai lầm của con người bắt đầu từ chiếc kìm mổ để cắt bỏ lớp da này. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ đã cắt đi khá nhiều lớp da này nên dễ gây ra tổn thương không chỉ cho đầu dương vật, mà còn cho cả ống dẫn nước tiểu đi qua đầu dương vật nữa.

Hậu quả lớn nhất của tổn thương này là có khi sau đó, bác sĩ lại cắt tiếp một phần đầu dương vật. Thường thì loại phẫu thuật như thế sẽ khiến cho ống dẫn nước tiểu bị teo lại và việc đi tiểu không còn bình thường được nữa. Y học gọi biến chứng này là “urethral fistula”, tức là nước tiểu đã được thải bỏ không qua ống mở bình thường của tự nhiên.

Và như vậy, chỉ có một tiểu phẫu nhưng đã gây ra hậu quả lớn, và việc điều trị nó lại không dễ dàng gì. Đặc biệt là sau khi cắt bao quy đầu, nếu có biến chứng fistula, có khi phải nhiều tuần hay nhiều tháng sau, bệnh mới bắt đầu phát ra.

Một thực tế không thể chấp nhận được là các bé trai không hề được thử máu trước khi tiến hành cắt bao quy đầu, và việc gây tê cho chúng càng hoàn toàn không có nên chúng thường rất đau đớn.

Đ.NGỌC

(Theo Epoch Times)

Khói nhang độc như khói thuốc lá

Nhang được làm từ một hợp chất gồm mùn cưa và chất kết dính, mùn cưa có thể được lấy từ một loại gỗ bất kỳ cho nên rất khó bảo đảm chất lượng khói sinh ra khi đốt và việc có độc hay không thì không thể nào kiểm soát được.

Bên cạnh đó, để tạo mùi thơm, có thể sử dụng rất nhiều loại hương liệu như bột quế, trầm hương, tinh dầu hoặc sử dụng hương liệu tổng hợp và đây chính là nguồn chất độc vô cùng nguy hiểm, thông thường thì thành phần tạo mùi thơm trong khói nhang là những hợp chất thơm có tên khoa học là benzene. Cho nên sau khi đốt nhang hai phút trong phòng kín thì từ khói nhang chứa chất làm thơm benzene có thể làm tổn thương mắt, da, hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, gan, thận, làm mất sự tự điều hòa cơ thể và trầm cảm.

Đây là lý do vì sao khi ở trong khu vực có nhiều khói nhang chúng ta bị ho, chảy nước mắt hoặc choáng váng, nhức đầu và khó thở nhưng khi ra khỏi nơi đó thì sẽ hết và thoải mái trở lại.

Gây nhiễm trùng đường hô hấp:

Theo một số nghiên cứu cho thấy, khói nhang có thể gây hại tới sức khỏe con người vì khi đốt nhang trong phòng sẽ tạo ra khói nên chúng gây ô nhiễm không khí và khí này có thể gây ra viêm phổi và làm tăng nguy cơ gây bệnh cho các cơ quan thuộc hệ hô hấp. Bên cạnh đó, đối với người nhạy cảm với thành phần của khói nhang sẽ bị ho sặc sụa và hắt hơi liên tục, thậm chí nghẹt thở.

Khói nhang độc như khói thuốc láảnh minh họa

Gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn:

Khi đốt nhang, trong lớp khói được sinh ra gây ô nhiễm không khí bởi trong đó có rất nhiều chất độc, gây hại cho hệ hô hấp. Nếu hít phải một lượng lớn khói nhang thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và suyễn vì khói nhang gây độc ngang với khói thuốc lá.

Gây dị ứng da:

Tiếp xúc trong một thời gian dài với khói nhang sẽ gây kích ứng mắt, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi, với những người nhạy cảm sẽ bị ngứa khi tiếp xúc với khói nhang, những vùng da mỏng như xung quanh mí mắt, mũi và khuỷu tay là nơi dễ bị dị ứng cho nên cần phải cẩn thận, tránh tiếp xúc với khói nhang.

Gây nên bệnh lý về thần kinh:

Người tiếp xúc thường xuyên với khói nhang sẽ bị đau đầu, khó tập trung và hay quên. Đây là những biểu hiện về bệnh lý của hệ thần kinh mà người sử dụng nhang thường gặp phải, bởi vì việc thắp nhang trong nhà sẽ gây ô nhiễm không khí cho nên những người sống trong môi trường nhiều khói nhang thì các chất độc sẽ xuất hiện và gia tăng nồng độ trong máu, chính các chất này tác động lên tế bào não, gây ra bệnh lý về thần kinh.

Làm tăng nguy cơ ung thư đường hô hấp:

Theo nghiên cứu mới đây, nếu tiếp xúc lâu dài với khói nhang thì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đường hô hấp cho người sử dụng.

Gây nhiễm độc cho cơ thể:

Khi đốt nhang sẽ sinh ra khói có rất nhiều chất độc hại, trong đó có chì, sắt và magiê, các chất độc này buộc thận phải làm việc nhiều hơn để loại thải, dần dần dẫn tới các bệnh về thận và khói nhang còn góp phần làm tăng nồng độ các tạp chất trong máu.

Làm suy yếu hệ tim mạch:

Đốt nhang hàng ngày sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe mà cụ thể là hệ tim mạch. Theo các chuyên gia về tim mạch, nếu việc đốt nhang lâu dài thì sẽ làm tăng nguy cơ suy tim lên đến 12% và các bệnh về mạch vành là 10% và hít phải các hợp chất trong khói nhang cũng làm tăng nguy cơ viêm mạch máu và ảnh hưởng đến lưu lượng máu, dẫn đến các bệnh lý về tim.

BS. HỒ VĂN CƯNG

Thủ phạm khiến bạn đau đầu gối

Đau đầu gối là một bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể gặp ở cả người trẻ và người cao tuổi. Cần có sự nhận biết cần thiết về bệnh để có hướng điều trị tốt nhất, tránh những biến chứng xảy ra, nhất là đối với những người để đau lâu ngày.

Nguồn cơn khiến đầu gối của bạn bị đau

Tình trạng bong gân: Do đầu gối bị bẻ hoặc gập nhẹ, một số mô xung quanh đầu gối bị co lại. Cơn đau bong gân thường giảm xuống trong khoảng vài ngày đến 1 tuần, vì thế, nếu như cơn đau kéo dài hơn một vài tuần hoặc kèm theo sưng tấy xung quanh đầu gối, cần đi khám bác sĩ ngay, bác sĩ có thể khuyên người bệnh bó bột để cố định trong khoảng vài tuần.

Khớp gối thoái hoá sẽ bị sưng, đau nhức.

Tổn thương lớp sụn bán nguyệt: Sụn bán nguyệt nằm ở lớp bên trong thường bị thương hơn các sụn nằm bên ngoài. Những chiếc sụn này có thể gãy nếu chúng bị va chạm. Sụn gãy là một nguyên nhân gây ra đau ở đầu gối, đặc biệt là với những người hoạt động thể chất. Mặc dù tổn thương sụn có thể khó nhận biết nếu nhìn bên ngoài nhưng chúng có thể gây ra tổn thương đáng kể đến các cấu trúc bên trong đầu gối. Nếu cơn đau ở đầu gối không giảm sau vài ngày thì nên phải được kiểm tra sụn.

Tổn thương dây chằng đầu gối: Dây chằng ở giữa phía trước thường bị thương trong các hoạt động thể thao nếu đột nhiên bị vật nặng va vào đầu gối hoặc khi nhảy xuống từ trên cao. Khi dây chằng bị tổn thương, một vài thứ trong đầu gối có thể bị gãy, vỡ. Đầu gối sưng lên nhanh chóng do máu tụ ở khớp. Nếu dây chằng nhỏ bị rạn, nó có thể tự lành lại như bị bong gân nhưng nếu bị đứt nhiều hơn một dây chằng một lúc thì phải có sự can thiệp ngoại khoa mới có thể phục hồi được.

Gãy xương và trật khớp: Xương bánh chè là xương ở đầu gối, nó dễ bị trật nếu có một cử động mạnh không được chuẩn bị trước, hay gặp ở người ít tuổi do hiếu động, ở người già thường là bị trẹo chân bất ngờ. Chụp Xquang đầu gối rất cần thiết để chẩn đoán vùng xương bị tổn thương do gãy. Trong hầu hết các trường hợp gãy xương đầu gối, việc cần thiết là ghép các mảnh gãy trở lại vị trí bình thường bằng đinh ốc và kim loại, đồng thời cần cố định trong vài tuần.

Viêm khớp: Có thể là cấp tính hoặc mạn tính, tình trạng này có thể gặp ở cả người trẻ và người già, thường thấy nhiều ở người cao tuổi. Khi viêm khớp sẽ bị sưng, đau nhức, nhất là khi thay đổi thời tiết, khó khăn cho sự vận động.

Lời khuyên của thầy thuốcTất cả những trường hợp có biểu hiện đau đầu gối dù là tổn thương vì lý do gì cũng cần được thăm khám cẩn thận. Nếu để tình trạng bệnh xảy ra lâu ngày sẽ dẫn đến hoại tử đầu gối hoặc khó điều trị. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh những vận động va đập quá mạnh ảnh hưởng đến đầu gối, nhưng cũng cần tập luyện thường xuyên để cơ thể không bị quá sức với những vận động bất ngờ. Đối với người viêm khớp gối, cần phải giảm cân nếu béo phì, thừa cân, biện pháp luyện tập có thể là bơi, tập các bài tập trên ghế… và không nên có những vận động ảnh hưởng mạnh đến khớp gối.

BS. Nguyễn Văn Đức

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để kết thúc đại dịch AIDS

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến cuối năm 2016 có hơn 2/3 tổng số người nhiễm HIV đã biết được tình trạng nhiễm của bản thân, khoảng 2/3 trong số người này đã tiếp cận được điều trị và cứ 5 người tham gia điều trị thì có 4 người đã đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Việc mở rộng điều trị kháng HIV đã giúp giảm gần một phần ba số người tử vong do AIDS trong khu vực kể từ năm 2010, và trong thành công này Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể.

“Những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV đã tạo ra những tác động rất rõ ràng trong việc khống chế dịch,” Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam cho biết. “Đến cuối năm 2016 một nửa tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV và ước tính số người tử vong do AIDS đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số nhiễm HIV mới cũng giảm dần trong những năm gần đây.”

Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu 90-90-90 vẫn còn nhiều việc phải làm. Việt Nam và toàn thế giới đã có những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu 90–90–90, nhưng công việc phía trước vẫn còn nhiều. Dịch AIDS vẫn chưa kết thúc.

Số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng giảm chưa đủ nhanh

Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy trên toàn thế giới số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV.

Áp dụng đồng thời nhiều cách tiếp cận để giảm tối đa tác động của HIV lên các nhóm có nguy cơ cao

Ở tất cả các nơi bên ngoài khu vực cận sa mạc Sahara của châu Phi, các nhóm chính có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bạn tình của họ chiếm tới 80% tổng số nhiễm HIV mới trong năm 2015. Ở Việt Nam, số liệu năm 2016 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy là 11%, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 8,2% và trong nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%. Dịch HIV đang tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới sinh sống tại các đô thị. Những phụ nữ có chồng hoặc bạn tình nam giới là người nhiễm HIV hoặc người có hành vi khiến họ có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đang ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng số người mới nhiễm HIV. Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV tại cộng đồng và được lồng ghép vào hệ thống y tế chung, cũng như mở rộng các cách tiếp cận thân thiện với người sử dụng dịch vụ và các sáng kiến đổi mới đã thí điểm thành công, để khuyến khích được nhiều người trong nhóm có nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Lấp đầy khoảng thiếu hụt trong chuỗi dịch vụ từ xét nghiệm tới điều trị

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để phân cấp điều trị HIV xuống các tuyến cơ sở, cải thiện việc kết nối người bệnh từ xét nghiệm sang điều trị và cho phép điều trị ngay không phụ thuộc vào CD4 cho mọi người nhiễm HIV, nhưng trong số 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã biết tình trạng nhiễm của bản thân vẫn còn đến một phần ba chưa tham gia điều trị. Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là một trong những rào cản chính ngăn tiếp cận đến các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục làm suy yếu ứng phó của quốc gia với dịch HIV.

Chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm đầu tư cho phòng chống HIV và tối ưu hóa hiệu suất chương trình

Trên phạm vi toàn cầu, các nguồn lực dành cho phòng chống HIV vẫn chưa tăng đủ. Ở châu Á và Thái Bình Dương, các nguồn lực trong nước đầu tư cho HIV đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua nhưng đóng góp của quốc tế cho khu vực này lại giảm khoảng 25% trong năm năm gần đây, đồng nghĩa với việc nguồn lực cho phòng chống AIDS trong khu vực vẫn còn bị thiếu hụt. Ở Việt Nam, số liệu mới nhất có được cho thấy các nguồn lực trong nước chiếm khoảng một phần ba tổng chi tiêu cho phòng chống AIDS trong năm 2015, và con số này đang tăng lên. Nâng cao hơn nữa hiệu suất của công tác phòng chống AIDS và tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có là vô cùng cần thiết để Việt Nam thu được lợi ích lớn nhất từ đầu tư cho phòng chống AIDS đồng thời tạo được tác động mạnh mẽ hơn nữa trong việc khống chế dịch.

“Việt Nam đang tiếp tục cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì bền vững ứng phó với HIV, thể hiện qua việc gia tăng đầu tư trong nước cho HIV từ nguồn bảo hiểm y tế và từ đóng góp của các địa phương,” Bà Marie-Odile Emond cho biết, “Đầu tư đủ và đầu tư thông minh cho phòng chống AIDS, ngay từ bây giờ, và tối ưu hóa tất cả các nguồn lực về tài chính và con người, ở tất cả các cấp, sẽ giúp Việt Nam tránh không để dịch HIV tiến triển phức tạp hơn nữa, dẫn đến phải đầu tư nhiều hơn cho ứng phó với HIV trong tương lai, và có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030.

Mục tiêu 90-90-90 thể hiện cam kết của thế giới nhằm đến năm 2020 có 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người đã biết tình trạng nhiễm được điều trị kháng HIV và 90% số người tham gia điều trị kháng HIV đạt được tải lượng vi rut dưới ngưỡng ức chế.

Hà Giang

(UNAIDS)

Chín mé

Đây là một bệnh ngoài da thường gặp, nếu không biết cách chữa trị, giữ vệ sinh thì bệnh sẽ diễn biến dai dẳng, dễ tái phát.

Coi chừng vết xước nhỏ đầu ngón tay

Tác nhân gây bệnh thường là tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu gây mủ, đi vào cơ thể người bằng cách xâm nhập qua vết xước, vết châm, vết thương nhỏ. Đặc biệt, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, nảy nở dễ dàng ở những người bị ra mồ hôi nhiều khiến cho bụi bặm bám vào da. Thường thì khi bị một vết xước, người bệnh rất chủ quan cho rằng đó chỉ là “chuyện nhỏ”, vết thương “qua loa”, sớm muộn gì thì cũng sẽ tự lành, không cần phải điều trị gì. Do đó, hầu như chẳng người bệnh nào chữa chín mé khi đang ở giai đoạn nhẹ, chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đi khám, việc điều trị lúc này đã trở nên khó khăn và rất tốn kém.

Đó là chưa kể có nhiều di chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu bệnh không được chữa trị kịp thời và đúng cách, làm mất đi chức năng của bàn tay. Với những người lao động cần đến sự khéo léo, tinh vi của đôi bàn tay thì đó là một thiệt thòi rất lớn.

Chín mé

Tiến triển của bệnh

Bệnh thường được xảy ra khoảng 1 - 3 ngày đầu, ở đầu ngón tay, ngón chân xuất hiện một chỗ sưng phồng, tấy đỏ, ngứa. Sau đó đau nhức, khó chịu, có khi cứng ngón, khó cử động. Khoảng ngày thứ 4 - 7, thời kỳ viêm lan tỏa, lan rộng ra chung quanh cả ngón, bệnh nhân có cảm giác nhức nhối, căng tức, đau giật theo nhịp mạch đập, có thể sốt nhẹ. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh chín mé có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây ra tử vong. Tuy nhiên, cần phân biệt chín mé với một số bệnh da liễu xảy ra ở đầu ngón như: tổ đỉa (thường gây ngứa, ít đau, sưng nhẹ); viêm cấp quanh móng (chân móng sưng nhức, có thể chảy mủ); bị chín mé do ung thư hắc tố (melanotic whitlow, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái hoặc ngón chân cái, đầu ngón bị sưng, thường có màu đen, có thể mất móng).

Tuy nhiên, riêng trường hợp chín mé do herpes có thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 20 ngày. Các triệu chứng toàn thân như sốt và mệt mỏi có thể xuất hiện như là biểu hiện đầu tiên của bệnh, nhưng ít gặp. Các dấu hiệu hay gặp hơn là cảm giác đau, rát bỏng, châm chích ở đốt ngón tay có nhiễm virút herpes. Sau đó, đốt ngón tay trở nên đỏ, phù nề, xuất hiện các đám mụn nước có đường kính 1 - 3mm trên nền da đỏ, tồn tại trong 7 - 10 ngày. Các mụn nước có thể bị loét, vỡ ra, thường chứa dịch trong suốt, hoặc có màu đục hoặc có máu.

Sau đợt nhiễm trùng đầu tiên, virút herpes từ ngón tay xâm nhập vào đầu mút của các dây thần kinh cảm giác ở da, di chuyển vào các hạch thần kinh ngoại vi và tế bào Schwann, sống tiềm ẩn ở đó trong thời gian rất lâu. Khi gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, sang chấn tâm lý, tiếp xúc với tia xạ, tia cực tím, laser, virút tái hoạt động, di chuyển ra da, tạo nên hình ảnh lâm sàng của nhiễm herpes thứ phát. Thông thường, các triệu chứng lâm sàng của nhiễm herpes tiên phát rầm rộ nhất, còn nhiễm thứ phát thì nhẹ hơn với thời gian ngắn hơn.

Cần làm gì?

Khi mắc bệnh cần giữ sạch chỗ bị chín mé để tránh bị nhiễm trùng thêm. Có thể ngâm rửa bằng thuốc tím pha loãng, sau đó bôi mỡ kháng sinh. Nếu chín mé làm mủ thì cần rạch thoát mủ, dẫn lưu, kết hợp dùng kháng sinh. Khi vết thương sưng đau nhiều, đáp ứng kém với điều trị thì cần chụp X-quang để xác định tình trạng biến chứng của chín mé.

Bệnh chín mé xảy ra một phần là do thói quen không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, vì vậy để phòng bệnh cần rửa tay, chân sạch sẽ hàng ngày, tránh ngâm tay, chân trong nước quá lâu, không đi chân đất, tránh để cát bụi dính vào các kẽ ngón chân, khi cắt móng cần lưu ý không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu ở hai bên cạnh của ngón chân, ngón tay, không cắt móng tròn. Móng nên được cắt thẳng và giữ cho đầu móng luôn dài hơn da. Điều này ngăn chặn góc móng đâm vào da… Đề phòng chín mé do virút herpes với các nhân viên y tế: đi găng tay khi chăm sóc người bệnh, khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Với trẻ em, tránh thói quen mút tay.

BS. NGUYỄN THỊ HUYỀN